Bài nói chuyện với cán bộ và học sinh trường sư phạm miền núi Nghệ An

Thấy các cháu vui vẻ, mạnh khoẻ, Bác rất vui lòng. Bác có ghé thăm một phòng ngủ, khá sạch sẽ. Thường ngày có được như vậy không? Hay nghe tin Bác đến rồi mới làm vệ sinh.

Ở đây có mấy dân tộc? Sao mà lại mặc theo người Kinh cả?

- Các cháu Thổ đâu? Mặc sao giống người Kinh?
- Các cháu Thái đâu?
- Các cháu Thanh đâu?
- Các cháu Tày Mười đâu?
- Các cháu Tày Hãy đâu? Chỉ có một cháu thôi à? Sao lại không có cháu gái? Lần sau phải có cháu gái.
- Các cháu Đan Lai đâu?
- Các cháu Lào đâu?
- Các cháu có hiểu nhau không?
- Các cháu nói chuyện với nhau được không? Nói chuyện với nhau bằng tiếng gì?

Hồi trước, bọn Tây và vua quan phong kiến làm cho các dân tộc thù ghét lẫn nhau, người Mường ghét người Kinh. Bây giờ các dân tộc đều là anh em cả. Dân tộc nào đông hơn, nhiều người hơn, tiến bộ hơn thì phải giúp đỡ các dân tộc khác để đều tiến bộ như nhau, đều đoàn kết như anh em một nhà. Có làm được không? Ở đây các cháu thi đua gì? Bác khuyên các cháu học tập tốt. Thế nào là học tập tốt? Học tập tốt là chính trị, văn hoá đều phải gắn liền với lao động sản xuất, không học dông dài. Mục đích học là để làm kinh tế, chính trị, văn hoá đều tiến bộ, các dân tộc đều đoàn kết với nhau. Học để làm gì nữa? Để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa xã hội là gì? Là no ấm. Gì nữa? Là đoàn kết, vui khoẻ. Muốn đi đến chủ nghĩa xã hội phải làm gì? Phải học tập, lao động, đoàn kết. Làm gì nữa? Phải tăng gia sản xuất, làm ra nhiều lúa, nhiều khoai, đủ các thứ. Vải nhiều thì mặc ấm, nhiều lúa khoai thì ăn no. Còn phải làm gì nữa? Phải tiết kiệm. Tăng gia sản xuất là làm cho được nhiều, nhưng lại còn phải tiết kiệm nữa.

Các cháu có muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội không? Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải tiết kiệm. Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội trong 20 năm, lại bị 2 trận giặc xâm lăng tàn phá. Ta bây giờ xây dựng chủ nghĩa xã hội thì có Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em giúp đỡ. Ta có dễ dàng hơn Liên Xô trước đây vì có bạn giúp ta, nhưng cũng phải thắt lưng buộc bụng.

Các cháu ở đây ăn có phải trả tiền không? Đồng bào, công nhân và nông dân hiện nay thắt lưng buộc bụng để xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà các cháu ở đây học không phải trả tiền, ăn không phải trả tiền, ngủ không phải trả tiền, như thế các cháu đã sống theo chế độ cộng sản rồi đấy. Để đền đáp công ơn, các cháu không phải học rồi ở đây, mà phải trở về giúp đỡ đồng bào.

Bác đến thăm các cháu và chúc các cháu tiến bộ.

Nói ngày 9-12-1961

----------
Hồ Chí Minh toàn tập, t.10, tr.460-461.

Bài nói với nhân dân và cán bộ tỉnh Hà Bắc

Đồng bào thân mến,

Nhân dịp về dự Đại hội Đảng tỉnh ta, Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái hỏi thăm đồng bào và cán bộ, đồng bào các dân tộc miền núi, các đồng chí bộ đội, công an và dân quân, các chiến sĩ thi đua và công nhân các xí nghiệp, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng, các cô giáo, thầy giáo và các cháu học sinh.

Trước đây hai năm rưỡi (6-4-1961), Bác đã về thăm và nói chuyện với đồng bào ở đây. Lần này Bác về thăm, tỉnh nhà có một sự biến đổi rất quan trọng và rất tốt đẹp. Đó là việc hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh hợp thành một tỉnh lớn hơn, người đông hơn, sức mạnh hơn, của nhiều hơn. Hà Bắc đã thành một trong những tỉnh to nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đó là một vinh dự cho đồng bào tỉnh ta. Để xứng đáng với vinh dự đó, đồng bào và cán bộ phải ra sức thi đua sửa chữa khuyết điểm và phát huy ưu điểm.

Về ưu điểm. Từ ngày hai tỉnh hợp thành một tỉnh lớn, đồng bào và cán bộ đã có gắng trong việc sản xuất vụ mùa, đã ra sức chống hạn, đã chống úng cứu được 7.000 mẫu tây lúa, đã trừ sâu bệnh cho 4.000 mẫu tây. Việc làm cỏ, bón phân cũng khá hơn trước. Trong một tháng qua đã làm được 45 vạn thước khối thuỷ lợi.

Về việc cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật. Đã làm đợt 1 với 114 hợp tác xã và đang bắt đầu đợt 2 với 224 hợp tác xã. Vì sao Bác không nói "làm xong" đợt 1? Bởi vì trong đợt 1 có 60 hợp tác xã làm khá, 40 hợp tác xã vừa, phải cố gắng tiến lên nữa. Còn 14 hợp tác xã làm kém, thì phải tiếp tục làm cho tốt.

Cải tiến hợp tác xã cũng như tu bổ một ngôi nhà. Phải cố gắng tu bổ cho thật tốt thì ngôi nhà mới đẹp đẽ, chắc chắn, vững bền . Nếu làm qua loa, thì ngôi nhà sẽ xấu xí, ọp ẹp mãi. Đồng bào và cán bộ cần phải rút kinh nghiệm trong đợt 1 và đợt 2 và cải tiến hợp tác xã cái nào phải làm cho thật tốt cái ấy.

Về văn hoá giáo dục. Tỉnh ta có: Các trường phổ thông nông nghiệp với 5.000 học sinh, Trường thanh niên các dân tộc với 200 học sinh vừa học tập vừa lao động sản xuất để tự túc. Đó là một cách giáo dục rất tốt, nên phát triển thêm. Học sinh các trường khác cũng có tham gia lao động. Có 8 vạn người học bổ túc văn hoá. Nạn mù chữ đã xoá xong. Năm học này, các cô giáo, thầy giáo và các cháu học sinh đang thi đua dạy tốt và học tốt. Thế là tốt và đáng khen. Bác khuyên các trường chú ý dạy cho học sinh nhiều hơn nữa về đạo đức cách mạng. Bác khuyên các cháu thanh niên và nhi đồng thi đua thực hiện "5 tốt" (đoàn kết tốt, học tập tốt, lao động tốt, kỷ luật tốt, vệ sinh tốt).

Về trật tự trị an. Các đồng chí bộ đội, công an và dân quân biết, dựa vào lực lượng nhân dân và ra sức giữ gìn trật tự trị an. Đồng thời cố gắng học tập và tham gia lao động sản xuất. Bác có lời khen và khuyên các đồng chí phải luôn luôn nâng cao cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu, đập tan mọi âm mưu của địch.

Trên đây là tóm tắt một số ưu điểm của đồng bào và cán bộ tỉnh ta.

Để làm cho tỉnh ta ngày càng giàu có, nhân dân ngày thêm ấm no, đồng bào và cán bộ phải ra sức phát triển những ưu điểm nói trên và càng phải ra sức sửa chữa những khuyết điểm dưới đây:

Mấy năm qua, năng suất lúa sụt dần và kém thua năng suất trung bình cả miền Bắc. Mỗi mẫu tây năm 1960 là hơn 18 tạ 36; năm 1961 là hơn 16 tạ 50; năm 1962 là hơn 17 tạ 53.

Ở miền Bắc, bình quân diện tích trồng hoa màu là 22%, trồng cây công nghiệp là 12%, mà ở tỉnh nhà thì hoa màu chỉ đạt hơn 16% và cây công nghiệp 5%.

Về chăn nuôi. Phát triển chậm và có thứ còn giảm sút:

So với 1960, trâu có tăng 2,8%; lợn chỉ tăng 5,8%; bò chỉ đạt độ 76%.

Vì phát triển hoa màu ít mà ảnh hưởng đến chăn nuôi. Vì chăn nuôi kém mà phân bón ít, lại vì phân bón ít mà sản lượng lúa và hoa màu giảm sút.

Thuỷ lợi trước kia làm kém. Gần đây có tiến bộ, nhưng vẫn lãng phí nhiều. Muốn làm thuỷ lợi tốt thì phải tổ chức những đội thuỷ lợi chuyên nghiệp của hợp tác xã. Các tỉnh khác đã làm như vậy và kết quả rất tốt. Hiện nay tỉnh ta mới vẻn vẹn có 33 đội. Vì sao mà tỉnh ta chậm chạp như vậy? Vì sao thấy kinh nghiệm tốt mà không học, thấy việc có lợi mà không làm?
Việc trồng cây, gây rừng. Cây và rừng là nguồn lợi lớn. Nhưng trồng cây nào phải chăm nom cho tốt cây ấy. Nếu để cây khô héo thì trồng nhiều mấy cũng như không. Tục ngữ ta có câu "Rừng vàng biển bạc". Gây rừng và bảo vệ rừng là rất cần thiết. Hiện nay tỉnh ta còn có cái tệ phá rừng, thế thì khác nào đem vàng đổ xuống biển? Đồng bào và chính quyền phải nghiêm khắc ngăn ngừa tệ hại ấy.

Tỉnh ta có hơn 13 vạn rưỡi mẫu tây đồi. Nếu đồng bào có biện pháp và có quyết tâm trồng cây cho tốt thì trong 5-7 năm sau, những quả đồi ấy sẽ là những đống tiền bạc vô tận.

Sẵn đây Bác kể vài chuyện gương mẫu về trồng cây gây rừng cho đồng bào nghe:

Cụ Nông Văn Mun, 83 tuổi, ở Nghệ An, đã trồng được hơn 500 cây. Cụ Nguyễn Chung, 65 tuổi, ở Phú Thọ, đã trồng ngót 1 vạn cây các loại trên đồi. Đoàn viên thanh niên Cao Xuân Nhị, 22 tuổi, ở Vĩnh Phúc, tuy mù hai mắt, năm ngoái đã trồng được hàng nghìn cây, năm nay đã trồng thêm được 4.000 cây.

Nếu ở Hà Bắc các cụ phụ lão cũng làm được như các cụ Mun, cụ Chung; và thanh niên dám thi đua với đồng chí Nhị, thì hơn 13 vạn mẫu tây đồi của Hà Bắc sẽ thành những rừng cây xanh tươi, tốt đẹp.

Củng cố hợp tác xã nông nghiệp. Như đã nói trên, cuộc vận động "cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật" phải làm cho thật tốt. Đó là lợi ích thiết thân của đồng bào nông dân nói riêng và của toàn dân nói chung. Trong kế hoạch vận động đã nói rõ ràng, đầy đủ. Đây Bác chỉ nhấn mạnh vài điểm: Ở các hợp tác xã, lãnh đạo phải thật sự dân chủ, tài chính phải thật sự công khai. Phải tẩy sạch tệ tự tư tự lợi, lãng phí, tham ô. Phải nâng cao ý thức của các xã viên "hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ". Phải làm cho cán bộ và xã viên phấn khởi và vui vẻ thực hiện khẩu hiệu "cần kiệm xây dựng hợp tác xã". Phải tiếp tục chăm sóc lúa mùa, ra sức chống nạn sâu, chuột, phòng hạn những ruộng cấy muộn. Chuẩn bị đầy đủ để gặt lúa mùa cho nhanh, gọn, tốt. Chuẩn bị cho tốt vụ Đông - Xuân. Làm mọi biện pháp để giành vụ mùa này và vụ Đông - Xuân tới đạt được thắng lợi.

Đồng bào nông dân cần biết rằng: mỗi năm Nhà nước phải tiêu hàng chục triệu đồng để xây dựng thuỷ lợi, làm phân hoá học, làm thuốc trừ sâu, v.v. để phục vụ nông nghiệp. Vì vậy, đồng bào nông dân phải hăng hái làm trọn, làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, như trả nợ cho ngân hàng, bán lương thực và lâm thổ sản, v.v. cho Nhà nước.

Công nghiệp. Ở tỉnh ta có xí nghiệp địa phương. Nhà nước thì đang xây dựng nhà máy phân đạm. Công nghiệp của tỉnh cần có phương hướng sản xuất rõ ràng đúng đắn, đặc biệt là phải chú trọng phục vụ nông nghiệp; phải nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành. Nhà máy phân đạm phải làm đúng kế hoạch Nhà nước. Công nhân và cán bộ phải nâng cao tinh thần làm chủ.

Thủ công nghiệp. Tỉnh ta có 2 vạn đồng bào làm nghề thủ công, 80% đã vào hợp tác xã. Về tổ chức như thế là khá. Nhưng về mặt sản xuất thì còn kém, nhiều hàng hoá phẩm chất xấu, giá thành cao. Vì vậy mà hàng ế, xã viên thu nhập bấp bênh. Đó là vì quản lý chưa tốt. Cán bộ lãnh đạo cần phải giúp chỉnh đốn các hợp tác xã đó cho tốt.

Thuần phong mỹ tục. Nước ta là một nước xã hội chủ nghĩa. Trong nước xã hội chủ nghĩa thì mọi người công dân phải có đạo đức xã hội chủ nghĩa, tức là đoàn kết chặt chẽ, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, ra sức góp phần làm cho nước mạnh dân giàu, phát triển thuần phong mỹ tục. Vì vậy, phải chấm dứt những tệ nạn xấu xa do xã hội cũ để lại, như lười biếng, cờ bạc, tệ nấu rượu lậu, buôn gian bán lận, tiêu xài xa xỉ, gả bán cưỡng ép, v.v.. Chúng ta phải thực hiện nếp sống mới, lành mạnh, vui tươi, một nếp sống xã hội chủ nghĩa.

Ba cuộc vận động lớn. Đảng và xã hội đã đề ra ba cuộc vận động lớn là:
- Cuộc vận động "cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc".
- Cuộc vận động "3 xây, 3 chống" tức là "nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật; chống tham ô, lãng phí, quan liêu".
- Cuộc vận động "đồng bào miền xuôi đi tham gia phát triển kinh tế và văn hoá ở miền núi".

Đồng bào và cán bộ Hà Bắc phải cố gắng làm tốt ba cuộc vận động ấy.

Để sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, đồng bào các dân tộc phải nâng cao ý thức làm chủ và tinh thần cần kiệm xây dựng nước nhà. Cán bộ phụ trách các ngành từ tỉnh đến xã phải đi sâu, đi sát đến cơ sở, phải thật sự quan tâm đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là quan tâm đến đồng bào dân tộc ít người. Phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân.

Tỉnh ta hiện nay có hơn 23.000 đảng viên và 34.000 đoàn viên thanh niên lao động. Đó là một đội quân chủ lực hùng mạnh để đẩy mạnh mọi công tác. Mỗi đảng viên và đoàn viên phải ra sức làm trọn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho, phải xung phong gương mẫu trong lao động, trong học tập, trong sản xuất và tiết kiệm. Phải ra sức giúp đỡ đồng bào cùng tiến bộ.

Đảng viên và đoàn viên nào còn lười biếng lao động, trốn tránh nghĩa vụ, thiếu đạo đức cách mạng, nêu gương xấu trong nhân dân, thì phải quyết tâm sửa đổi để trở thành đảng viên và đoàn viên tốt. Nếu không thì sẽ bị loại ra ngoài phong trào cách mạng.

Đồng bào Hà Bắc sẵn có truyền thống anh dũng trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến. Như tiểu đoàn Thiên Đức, đội du kích Tân An, nhân dân Yên Dũng, Gia Lương và nhiều nơi khác, đã đánh nhiều trận diệt giặc lập công cực kỳ oanh liệt.
Hiện nay chúng ta cũng đang kháng chiến chống lại nghèo nàn, lạc hậu, bão lụt, thiên tai. Trong cuộc kháng chiến này, tỉnh ta cũng có những nơi giữ vững truyền thống anh dũng đó và thành những gương mẫu tốt. Ví dụ: hợp tác xã Tân An, hợp tác xã Thanh Phương, hợp tác xã Nhân Định có nhiều ưu điểm về sản xuất, văn hoá, vệ sinh, đời sống xã viên được nâng cao, làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước; hợp tác xã Trung Hoà thì làm tốt việc cải tạo đất bạc màu, thực hiện luân canh, tăng vụ, v.v..

Cán bộ cần phải phổ biến và các hợp tác xã khác cần phải học tập những kinh nghiệm tốt ấy và thi đua với Tân An, Thanh Phương, Nhân Định và Trung Hoà, để ngày càng tiến bộ.

Toàn thể đồng bào và cán bộ quyết tâm thi đua làm tốt những điều Bác nói trên thì Hà Bắc sẽ có thể là một trong mấy tỉnh vừa to nhất, vừa tốt nhất ở miền Bắc nước ta. Làm được như vậy là đồng bào Hà Bắc thiết thực đóng góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp hoà bình thống nhất nước nhà.

Cuối cùng, Bác gửi lời hỏi thăm tất cả đồng bào, bộ đội và cán bộ ở các địa phương và chúc nhân dân tỉnh ta đoàn kết, thi đua, thắng lợi.

Nói ngày 17-10-1963
----------
Hồ Chí Minh toàn tập, t.11, tr.147-152.

Bài nói chuyện tại Hội nghị tuyên giáo miền núi

Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến thăm các cô, các chú về dự Hội nghị tuyên giáo miền núi.

Cả Hội nghị có hơn 200 đại biểu, thế mà chỉ có 5 phụ nữ, trong 5 phụ nữ lại không có một phụ nữ dân tộc thiểu số nào. Trong lúc còn công tác bí mật, trước Cách mạng Tháng Tám, trong kháng chiến, các chị em phụ nữ miền núi rất anh dũng bảo vệ cán bộ, giúp đỡ cách mạng. Hồi đó báo của Mặt trận Việt Minh, nếu không có phụ nữ thì không ra được đâu. Trong việc đề phòng bọn mật thám, phụ nữ có công rất lớn. Ở vùng đồng bào Mán, mật thám Pháp, mật thám Nhật, mật thám Bảo Đại như rươi. Đầu làng đi vào, cuối làng đi ra, cứ chiều đến bọn chúng rải tro khắp lối đi, vì chúng biết cán bộ mình hoạt động ban đêm. Sáng sớm dậy, nó đi dò dấu chân, dấu giầy, dấu dép. Chị em phụ nữ đêm khuya lo cơm nước, sáng tinh mơ lại đi xoá hết dấu chân của cán bộ đã đi qua. Nhiệt tình cách mạng của chị em phụ nữ các dân tộc thiểu số cao như vậy đấy. Trong mọi mặt hoạt động cách mạng, phụ nữ các dân tộc thiểu số đều có đóng góp lớn lao. Một cuộc họp như thế này, mà quên mất vai trò phụ nữ, thì chắc ở các địa phương, các chú cũng quên mất vai trò phụ nữ.

Trong cuộc Hội nghị này có 12 dân tộc, như thế là tốt. Nhưng chưa đủ. Có 26 cán bộ xã và hợp tác xã, như thế cũng ít. Điều này chứng tỏ cái gì? Nó chứng tỏ rằng trong công tác tuyên giáo, đối với phụ nữ các chú chưa xem trọng. Nếu hiện nay các cô các chú không hướng vào xây dựng hợp tác xã cho tốt, thì tuyên truyền cái gì? Huấn luyện cái gì? Bác nói thế có đúng không?

Ở đây có 85 cán bộ các cơ quan trung ương. Những cán bộ ở trung ương đến đây, không phải chỉ là để nghe, mà phải nhận trách nhiệm của mình, góp phần vào công tác tuyên truyền huấn luyện đồng bào miền núi. Y tế nhận trách nhiệm gì? Mậu dịch nhận trách nhiệm gì? Giao thông, thuỷ lợi nhận trách nhiệm gì?... chứ không phải đến dự cho có mặt đông đủ rồi về.

Nói chung, công tác tuyên truyền huấn luyện ở miền núi, các cô các chú có cố gắng, có tiến bộ. Nhưng chưa đủ, có thể nói còn phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? Đó là những vấn đề các chú phải tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm. Ví dụ: Một tỉnh có đồng bào Thái, đồng bào Mèo, thì tuyên truyền huấn luyện đối với đồng bào Thái khác, đồng bào Mèo khác, phải có sự thay đổi cho thích hợp. Bởi vì đời sống, trình độ đồng bào Mèo và Thái khác nhau cho nên tuyên truyền huấn luyện phải khác. Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc. Có như thế, mới tìm ra cái đúng cái hay mà làm. Chứ không phải trung ương bảo làm, tỉnh bảo làm, thì tôi làm. Tuyên truyền cũng thế, huấn luyện cũng thế. Phải làm sao dễ hiểu, nói sao để người ta hiểu được, hiểu để làm. Vì thế nên tuyên truyền phải thiết thực. Không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện.

Bác nói mấy kinh nghiệm. Ở Tân Trào, lúc đó[1] mới làm xong cái nhà văn hoá. Hôm khánh thành, có hai đồng chí cán bộ, một nam một nữ, đến nói chuyện. Mỗi đồng chí diễn thuyết mất một giờ. Diễn thuyết xong, đồng bào vỗ tay hoan hô. Lúc đó Bác ở trong quần chúng. Bác mới hỏi một cô: Có hiểu gì không? Cô ta trả lời: Không. Bác lại hỏi một cụ. Cụ ấy trả lời: Các đồng chí nói rất hay, nhưng tôi không hiểu gì cả. Đó là kinh nghiệm tuyên truyền. Còn huấn luyện thì thế nào? Một hôm đi qua xã Hồng Thái. Bác thấy có một số thanh niên, cả nam và cả nữ ngồi nghỉ ở dưới gốc cây đa. Bác cũng lại đấy ngồi nghỉ. Bác hỏi:

- Các anh các chị đi đâu về đấy?
- Chúng em đi học về.
- Học gì đấy?
- Học Các Mác.
- Có hay không?
- Hay lắm.
- Thế có hiểu không?
- Không hiểu gì hết.

Lớp ấy là lớp huấn luyện của Mặt trận lúc bấy giờ. Mỗi xã cử mấy người đem cơm gạo đi ăn để học. Học cái gì? Học Các Mác. Hay thì có hay, nhưng không hiểu gì hết.

Đấy là những kinh nghiệm làm không tốt. Bây giờ nói kinh nghiệm làm tốt. Ở một lớp huấn luyện khác có đồng chí Giáp, đồng chí Đồng[2] phụ trách. Mỗi người được chọn đi học như thế, mang theo gạo, ngô để ăn và bớt một ít để góp nuôi thầy giáo. Mỗi lớp huấn luyện như thế, học một số việc cụ thể, thiết thực. Một là gì, hai là gì, rồi ba, bốn, năm là gì. Làm như thế nào. Học mười ngày rồi về, đi làm. Họ làm rất tốt. Phong trào Việt Minh ở Cao Bằng hồi đó phát triển rất nhanh. Họ làm khoảng sáu tháng, hết "tủ", họ lại về học lần nữa. Tuyên truyền huấn luyện không nên nói trên trời dưới đất, nào là khách quan, chủ quan, nào là tích cực, tiêu cực, không đâu vào đâu cả.

Các chú so sánh hai kinh nghiệm đó, mà tuyên truyền huấn luyện.

Một bên nói "hay" mà không hiểu, một bên nói dễ hiểu, thiết thực, người ta hiểu được và làm được.

Bây giờ Bác nói đến nhiệm vụ tuyên huấn hiện nay. Trước Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến, thì nhiệm vụ tuyên huấn là làm cho đồng bào các dân tộc hiểu được mấy việc: Một là đoàn kết. Hai là làm cách mạng hay kháng chiến để đòi độc lập. Chỉ đơn giản thế thôi. Bây giờ mục đích tuyên truyền huấn luyện là: Một là đoàn kết. Hai là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là đấu tranh thống nhất nước nhà.

Nhưng nếu cứ nói nào là làm "cách mạng xã hội chủ nghĩa", nào là "tiến lên chủ nghĩa xã hội", nào là "xây dựng chủ nghĩa xã hội", đồng bào các dân tộc thiểu số khó hiểu, ít người hiểu. Phải nói rõ xây dựng chủ nghĩa xã hội là làm cái gì? Nói nôm na để cho người ta dễ hiểu, hiểu để người ta làm được. Không nên lúc nào cũng trích Các Mác, cũng trích Lê-nin, làm cho đồng bào khó hiểu. Nói thế nào cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được, đó là nói được chủ nghĩa Mác - Lênin. Nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ, mới là kiểu chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu nói không đúng chỗ không phải là chủ nghĩa Mác - Lênin. Bác còn nhớ trong Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, đồng chí Đimitơrốp có kể chuyện này: Hồi đó ở Đức mới có một cuộc bãi công rất to. Đảng cử một đồng chí đến để tuyên truyền. Đáng lẽ người ta đang bãi công, thì phải nói bãi công nên làm thế nào. Nhưng đồng chí này lại nói chủ nghĩa Mác là gì, thặng dư giá trị là gì... Như thế là nói không đúng chỗ, không thiết thực. May mà đồng chí đó không bị quần chúng ném đá. Tuyên truyền như thế không ăn thua gì cả.

Nhiệm vụ công tác tuyên huấn có thể chia ra hai mặt: một mặt là làm sao mưu lợi ích cho đồng bào. Một mặt nữa là làm sao tránh được tệ hại cho đồng bào. Bây giờ, muốn mang lại lợi ích cho đồng bào các dân tộc, thì phải nâng cao đời sống của đồng bào. Muốn nâng cao đời sống của đồng bào, không phải cứ nói mà ra cơm gạo. Cơm gạo không phải trên trời rơi xuống. Muốn có cơm gạo thì mỗi người phải làm cái gì? Muốn no ấm thì phải làm cái gì? Phải làm thế nào? - Phải tăng gia sản xuất. Nhưng tăng gia sản xuất được bao nhiêu, chén hết bấy nhiêu, cúng bái hết bấy nhiêu, thì có được không? - Phải tiết kiệm, để phát triển sản xuất hơn nữa mới bảo đảm no ấm lâu dài, chắc chắn. Muốn tăng gia sản xuất, muốn tiết kiệm, thì đồng bào phải làm gì? Từng người một, từng gia đình một thì không làm được mấy. Ví dụ: bây giờ chống hạn, riêng một gia đình có chống hạn được không? Không được. Diệt sâu, một gia đình có làm được không? Một nhà làm không được thì phải nhiều nhà. Nhiều nhà thì phải thế nào? - Phải tổ chức hợp tác xã. Hợp tác xã tổ chức được rồi, nếu quản lý không tốt, quan liêu, tham ô, lãng phí thì có được gì không? Không được. Vì vậy, tổ chức hợp tác xã rồi, thì phải quản lý hợp tác xã cho tốt. Không phải nói gì cao xa, mà nói giản dị, thiết thực như thế thì đồng bào dễ hiểu. Bây giờ, ở miền núi đã có những hợp tác xã tốt. Vừa rồi, trong Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Bắc, có 67 hợp tác xã được khen thưởng. Trong đó có 20 hợp tác xã của đồng bào miền ngược. Cái gì miền xuôi làm được, thì miền ngược cũng làm được. 20 hợp tác xã đó, vì sao làm được tốt? Vì cán bộ tốt, không quan liêu, tham ô, lãng phí. Chi bộ tốt, chi đoàn tốt, đảng viên tốt, đoàn viên tốt, cho nên 20 hợp tác xã này làm được tốt. 20 hợp tác xã này làm được thế, vì sao các chỗ khác không làm được? Trong phong trào hợp tác hoá nói chung cả miền Bắc và nói riêng miền núi, thì có hai tỉnh kém nhất. Đó là hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Lạng Sơn, Cao Bằng trong lúc bí mật, trong kháng chiến, phong trào rất tốt. Cán bộ Cao Bằng đi hoạt động khắp nơi, khắp các ngành. Vì sao hiện nay Cao Bằng, Lạng Sơn chỉ còn có được khoảng 50% số hộ vào hợp tác xã? Có phải vì đồng bào nông dân không thích hợp tác xã không? - Không phải. Thế thì vì ai?

- Các chú phải trả lời: là vì tôi. Mỗi người phải nhận lấy phần trách nhiệm của mình, mà không nên nói lãnh đạo chung chung. Trung ương cũng lãnh đạo, Tỉnh uỷ cũng lãnh đạo. Cao Bằng, Lạng Sơn là hai tỉnh miền núi tương đối lớn. Vậy trước Hội nghị này, cán bộ Cao Bằng, Lạng Sơn có dám hứa trước Đảng, trước Hội nghị là về sau cố hết sức làm cho phong trào hợp tác hoá tỉnh mình được tốt hay không?

Hiện nay, đời sống đồng bào các dân tộc miền núi đã có nhiều tiến bộ, về cả hai mặt vật chất và tinh thần.

Tuy không được đều nhau giữa các dân tộc, nhưng nói chung đều có tiến bộ. Về lương thực, bình quân ở miền núi là hơn 400 cân, như ở Hoà Bình là 500 cân. Còn về mặc, đồng bào miền núi mặc cũng khá hơn trước. Khi Bác lên thăm Cao Bằng năm ngoái, so sánh bây giờ với lúc Bác hoạt động bí mật, thì khác hẳn. Đồng bào các dân tộc đều ăn mặc lành lặn. Thanh niên trai gái rất diện. Bệnh tật ốm đau đã giảm nhiều. Như thế tức là đời sống tiến bộ. Tiến bộ khá, nhưng không đều, chỗ nhiều, chỗ ít. Đồng bào rẻo cao, so với trước thì có hơn, nhưng có nơi còn khó khăn. Phải săn sóc, giúp đỡ nhiều hơn nữa đối với đồng bào rẻo cao về mọi mặt.

Về văn hoá ở miền núi đã tiến bộ nhiều. Đồng bào Thái, đồng bào Mèo, đồng bào Tày, đồng bào Nùng đã có chữ của mình. Như thế là tốt. Nạn mù chữ đã xoá bỏ được nhiều, nhưng còn chậm, cần phải đẩy mạnh việc học văn hoá hơn nữa. Nhân dịp này Bác gửi lời khen anh chị em giáo viên miền xuôi xung phong lên miền núi làm công tác giáo dục. Số học sinh con em các dân tộc ở các trường phổ thông đã tăng rất nhiều, bây giờ bằng một phần ba số học sinh toàn Đông Dương trước kia. Các cô, các chú có thể tự hào, nhưng không được tự mãn. Trước kia, số người có trình độ đại học cả miền núi chỉ có 2 người. Bây giờ đã có hơn 700 người của 20 dân tộc đã tốt nghiệp hoặc đang học đại học (500 người đang học ở các trường đại học trong nước, ngót 100 thanh niên miền núi đi học ở các nước bạn và hơn 100 người đã tốt nghiệp). Bây giờ tỉnh nào cũng có trường cấp III, huyện nào cũng có trường cấp II, xã nào cũng có trường cấp I. Tuy có trường tốt, có trường còn kém, nhưng như thế là một tiến bộ lớn. Hiện nay lại có hơn 30 trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm, để đào tạo cán bộ địa phương, vừa có văn hoá, vừa có kỹ thuật, vừa giỏi lao động. Loại trường đó rất tốt, cần giúp cho những trường đó phát triển đúng phương hướng, là vì có chỗ chưa đúng. Như ở Hoà Bình, Trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa có nhiều kinh nghiệm, kết quả tốt, nhưng phát triển đến lúc có nhiều trâu bò, nhiều ruộng đất, có máy móc cải tiến, rồi biến nó thành nông trường. Làm như thế là không đúng. Đây là trường học để đào tạo cán bộ, chứ không phải là nông trường để kinh doanh có lãi. Cố nhiên là phải làm để cho có đủ ăn, đủ mặc, nhưng phải nhớ rằng đây không phải là nông trường để kinh doanh lấy lãi. Các chú cần phải chú ý phát triển loại trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm đó. Bây giờ nhiều tỉnh đã có. Những tỉnh chưa có phải cố gắng mở những trường như thế. Giai cấp công nhân phát triển trong các dân tộc thiểu số khá nhiều. Ở các mỏ apatít Lào Cai, mỏ thiếc Cao Bằng, khu gang thép Thái Nguyên, công nhân người các dân tộc rất đông. Hồi trước, mấy cô bé dân tộc còn hay xấu hổ. Bây giờ đã lái được xe, lái được máy xúc, không kém gì công nhân nam giới. Đó là một tiến bộ rất lớn.

Nhưng còn có mặt chưa tốt như: Vệ sinh còn kém, lấy vợ lấy chồng quá sớm. Bác còn nhớ lúc Bác ở trên đó, con đồng chí A lấy con gái đồng chí B, đến khi về nhà chồng, cô dâu còn bé khóc lóc và đòi trả về nhà mẹ. Bây giờ cũng đang còn như thế. Những hủ tục khác như cúng bái ma chay còn nhiều. Có nơi nuôi gà, nuôi lợn được bao nhiêu giết để cúng gần hết. Trong kháng chiến, ở những vùng có bộ đội, có cơ quan của ta ở thì ta giúp đỡ nhân dân chữa bệnh để họ đỡ cúng bái. Bây giờ có nhiều bệnh viện, bệnh xá, ở biên giới có các đồng chí công an vũ trang cũng giúp dân chữa bệnh rất tốt. Nhưng chưa phải là đã hết cúng bái mê tín. Vì đó là phong tục tập quán đã lâu đời. Muốn cải tạo phong tục tập quán được tốt, thì tuyên huấn phải làm, mà phải làm bền bỉ liên tục, làm dần dần, chứ không thể chủ quan nóng vội, muốn làm hết ngay một lúc.

Về mặt kinh tế, đồng bào miền núi nhiều nơi còn chưa biết tiết kiệm. Có bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu. Ăn, cúng, cưới xin đều chưa biết tiết kiệm. Nhiều nơi còn cấy chay chưa biết dùng phân. Không bỏ phân thì năng suất kém. Thuỷ lợi cũng còn kém. Bác có đi mấy chỗ, thì thấy rằng thuỷ lợi mà làm to như dưới xuôi thì khó. Nhưng làm thuỷ lợi nhỏ thì không khó lắm đâu. Những nơi khe núi, nếu mình biết đắp đập, cũng chứa được nước để lúc cần mở ra. Những chỗ như thế không phải là ít. Ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, v.v. đều có, nhưng cán bộ ta chưa chú ý. Thuỷ lợi kém thì mùa màng bấp bênh.

Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây lại rừng thì phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều. Ta thường nói: "rừng vàng biển bạc". Rừng là vàng nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý.
Về giao thông ở miền núi, đường sá còn rất kém. Cố nhiên đắp đường lớn là do trung ương phụ trách, Bộ Giao thông chịu trách nhiệm. Nhưng địa phương có thể làm những đường nhỏ. Làng này qua làng khác, thì xã tự động làm. Nhiều xã đã làm tốt. Nên làm cho đồng bào thấy rõ lợi ích của việc làm thêm đường sá, tuyên truyền giải thích cho khéo, thì đồng bào tự làm và làm tốt.

Nói tóm lại, cái gì phải làm?
- Đoàn kết dân tộc, củng cố hợp tác xã, phát triển thuỷ lợi, mở mang đường sá, đẩy mạnh sản xuất.

Cái gì phải xoá?
- Mê tín hủ tục.

Cái gì cần phát triển?
- Văn hoá giáo dục, vệ sinh phòng bệnh.

Các chú đều biết là miền núi nước ta chiếm một vị trí quan trọng đối với quốc phòng, đối với kinh tế. Vì vậy, Trung ương Đảng và Chính phủ, mà trực tiếp là các cấp uỷ đảng, các uỷ ban địa phương, các cô các chú, phải làm sao nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của đồng bào các dân tộc. Muốn như thế phải tổ chức hợp tác xã. Tổ chức, củng cố, phát triển hợp tác xã nông nghiệp cho thật tốt, tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm cho thật tốt. Làm được như vậy thì vừa nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, vừa góp phần cung cấp những thứ cần thiết cho Nhà nước. Nếu hợp tác xã tổ chức được tốt, được vững, thì đồng bào làm được nhiều việc, đẩy mạnh sản xuất lương thực, trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi, khai thác các thứ lâm sản quý, làm thêm các ngành nghề, để tăng thu nhập cho hợp tác xã, cải thiện đời sống cho xã viên, góp sức với Nhà nước để xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Muốn làm được như thế phải tuyên truyền huấn luyện cho tốt, phải nói thiết thực rõ ràng để đồng bào dễ nghe, dễ hiểu và làm được tốt. Vấn đề quan trọng nhất ở miền núi hiện nay là xây dựng hợp tác xã cho tốt, củng cố cho tốt, quản lý cho tốt, làm thuỷ lợi tốt, phát triển giao thông giữa huyện này và huyện khác, giữa tỉnh này và tỉnh khác cho tốt.

Hiện nay có hàng chục vạn đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế miền núi. Đồng bào miền núi phải đoàn kết giúp đỡ đồng bào miền xuôi. Và đồng bào miền xuôi phải đoàn kết giúp đỡ đồng bào miền núi. Đó là hai phía, đó là chính sách dân tộc của Đảng. Bác có nghe báo cáo thế này: đồng bào miền xuôi lên, được đồng bào miền núi giúp đỡ có nhiều cố gắng, sản xuất tốt, ăn ở tốt với đồng bào địa phương. Nhưng có một số rất ít đồng bào miền xuôi còn có những hành động không đúng, cho nên ảnh hưởng đến tình đoàn kết anh em. Cái đó không phổ biến lắm đâu, nhưng cũng có. Như thế là không tốt. Phải đoàn kết các dân tộc, phải đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt.

Miền núi đối với quốc phòng rất quan trọng. Vì vậy, phải chăm lo đến việc củng cố quốc phòng, duy trì trật tự trị an, để chủ động tiêu diệt nhanh chóng bọn biệt kích, đập tan âm mưu của bọn phản động. Cố nhiên đây là trách nhiệm chính của bộ đội, của công an biên phòng, của dân quân. Nhưng toàn Đảng, toàn dân đều có trách nhiệm giúp sức vào việc đó. Điểm này ở miền núi làm cũng khá. Bác khen công an vũ trang, dân quân du kích, đồng bào miền núi ở những nơi đã làm việc này tương đối tốt. Nhưng phải cố gắng hơn nữa.

Muốn làm được tốt những việc trên thì cán bộ, đảng viên, đoàn viên, bộ đội, công an vũ trang phải gương mẫu. Trước hết là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, phải tránh thói công thần. Trong các đồng chí cũ, có một số đồng chí cũ công thần rất nặng. Có bệnh công thần thì không chịu lắng nghe ý kiến quần chúng, không chăm lo đời sống của nhân dân. Công lao của một người dù to thế nào, so với công lao của nhân dân, so với công lao của bộ đội, v.v. thì cũng nhỏ bé như hạt bụi, chẳng thấm vào đâu. Đã mắc phải bệnh công thần, thì không tiến bộ mà thoái bộ, sinh ra quan liêu, bảo thủ, tự cao tự đại. Cũng phải khắc phục những tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, tự ti dân tộc. Người dân tộc lớn dễ mắc bệnh kiêu ngạo. Cán bộ địa phương, nhân dân địa phương lại dễ cho mình là dân tộc bé nhỏ, tự ti, cái gì cũng cho là mình không làm được, rồi không cố gắng. Đó là những điểm phải tránh. Từng cán bộ, từng đảng viên, đoàn viên, bộ đội, công an vũ trang, đều phải chú ý điểm này. Phải củng cố vững chắc, phát triển tốt Đảng và Đoàn thanh niên. Muốn củng cố phát triển tốt Đảng, Đoàn, trước hết nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ từ tỉnh, huyện đến xã. Nếu người ý kiến này kẻ ý kiến khác, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, chẳng những hại đến nội bộ mà còn hại đến nhân dân nữa. Những nơi làm được tốt, như 20 hợp tác xã được nêu ở trên, là do chi bộ đảng, chi đoàn tốt, đoàn kết tốt. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân. Nói hay mà không làm thì vô ích. Đó là một tật xấu. Trong kháng chiến, nếu có cán bộ chỉ huy du kích miệng hô "tiến lên" mà bản thân mình lại thụt lùi, thì các chú thấy thế nào? Làm sao mà anh em tiến lên được.

Bây giờ đây cũng thế. Bây giờ mình cũng phải đánh thắng giặc nghèo khổ lạc hậu; chống lụt, chống hạn, cũng đều là đánh giặc, cũng khó khăn gian khổ. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải miệng nói tay làm, phải xung phong gương mẫu.
Nước ta có nhiều dân tộc, đấy là điểm tốt. Mỗi dân tộc có một tiếng nói riêng, có khi hai dân tộc một tiếng nói. Cán bộ đi làm việc chỗ nào, phải học tiếng ở đấy. Ví dụ các chú đi tuyên truyền ở nơi đồng bào Mèo, mà phải có một người phiên dịch thì không ăn thua. Bởi vì người phiên dịch ấy chưa chắc đã phiên dịch hết ý của chú, có khi phiên dịch lại sai đi nữa là khác. Cứ làm như thế cũng không gây được tình cảm thân thiết giữa cán bộ với quần chúng. Bác cho rằng học tiếng của các dân tộc không khó lắm đâu. Học làm thơ, làm ca mới khó, chứ học tiếng dân tộc để nói chuyện cho đồng bào hiểu, để hoà mình với đồng bào thì không khó đâu. Điểm đó các cô, các chú vẫn kém.

Trên kia Bác nói là cán bộ các ngành trung ương phải nhận trách nhiệm ở Hội nghị này, phải có kế hoạch giúp đỡ thiết thực đồng bào miền núi. Bây giờ Bác nói thêm. Bộ đội, công an, công nhân trong nông trường, lâm trường, công trường, xí nghiệp, cán bộ thương nghiệp, y tế, các giáo viên và tất cả cán bộ các ngành phải thấy rằng mỗi người đều phải là người tuyên truyền chính sách của Đảng, của Nhà nước. Và mỗi người cần phải là người tuyên truyền cách cải tiến đời sống của đồng bào như thế nào. Muốn như vậy, các cơ quan Nhà nước, các cấp uỷ đảng phải nhận rõ trách nhiệm của mình, phải có tinh thần phụ trách, phải lãnh đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ cán bộ. Cái đó đến bây giờ nhiều nơi làm kém. Các đồng chí lãnh đạo các ngành, các tỉnh, các huyện còn có thiếu sót về mặt này. Bác nhắc lại là các cơ quan trung ương phải có kế hoạch đẩy mạnh phong trào miền núi lên, về kinh tế cũng như về văn hoá, tất cả các mặt.

Tóm tắt lại là: Ra sức giúp đỡ đồng bào phát triển những việc có lợi ích cho đời sống vật chất và văn hoá của các dân tộc. Ra sức làm cho tốt, cho khéo để xoá bỏ những cái có hại như hủ tục, mê tín dị đoan, thiếu vệ sinh, tảo hôn, v.v.. Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được. Cố nhiên không phải làm một ngày, một buổi mà phải làm từng bước, làm bức nào chắc chắn bước ấy. Bây giờ đang có ba cuộc vận động lớn[3]. Công việc tuyên truyền, huấn luyện, văn hoá, giáo dục của các cô, các chú phải kết hợp chặt chẽ với ba cuộc vận động đó. Công việc của các cô, các chú không phải đơn giản. Nhưng Bác nhắc lại là nếu xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, thương yêu đồng bào thì nhất định sẽ làm tốt. Đồng bào các dân tộc rất thật thà và rất tốt. Nếu nói đúng thì đồng bào nghe, đồng bào làm và làm được.

Bác chúc Hội nghị thành công thiết thực.

Nhờ các cô, các chú về địa phương nói Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác gửi lời thăm đồng bào, cán bộ, bộ đội, các cháu thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Nói ngày 31-8-1963
----------
Hồ Chí Minh toàn tập, t.11, tr.127 - 138.


[1] Đầu năm 1945.
[2] Đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Phạm Văn Đồng.
[3] Ba cuộc vận động lớn là:
- Cuộc vận động nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính; cải tiến kỹ thuật; chống tham ô, lãng phí, quan liêu (gọi tắt là ba xây, ba chống).
- Cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc.
- Cuộc vận động đồng bào miền xuôi tham gia phát triển kinh tế và văn hoá ở miền núi.

Hình ảnh Bác Hồ trong lòng đồng bào các dân tộc thiểu số qua ca dao

Trong lịch sử văn học dân tộc và thế giới, chưa có danh nhân nào được "ca dao hóa" nhiều như Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Nhà thơ Lê Anh Xuân đã từng viết: 

Điệu lục bát, khúc dân ca
Việt Nam là Bác, Bác là Việt Nam 

Sinh thời, Bác rất thích dùng ca dao, tục ngữ trong các bài viết của mình để mọi người dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tuyên truyền cách mạng. Những ngày bệnh trọng, Bác vẫn thèm nghe "một câu hò xứ Nghệ" - một khúc hát dân ca. Ngay trong bản "Di chúc" thiêng liêng trước lúc đi xa, Người vẫn còn dặn lại đồng bào, đồng chí bằng một câu ca dao lục bát biến thể:

Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!

Có thể nói: Bác và Ca dao, Ca dao và Bác đã có sự "hóa thân" hài hòa và nồng thắm. Còn gì đẹp hơn, tự hào hơn khi nhân dân ta từ núi rừng, hải đảo xa xôi tới bưng biền Đồng Tháp đã dành những vần ca dao chứa chan tình nghĩa, biết ơn về Bác để dâng lên Người:

Bác Hồ là vị Cha chung
Là sao Bắc đẩu, là vầng Thái dương.

Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: "Bác sống như trời đất của ta", Bác như ánh sáng, như khí trời không thể thiếu được trong cuộc đời mỗi con người Việt Nam, và ai cũng cảm thấy:

Tự hào biết mấy Bác ơi
Bác cho con cả cuộc đời tự do.

Hình ảnh Bác Hồ trong ca dao của đồng bào các dân tộc thiểu số được thể hiện trước hết là ở chỗ: Bác Hồ là hiện thân của sự đoàn kết dân tộc. Trong "Thư gởi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam" họp tại Plây Ku ngày 19-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "… Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia rai hay Ê đê, Xơ đăng hay Ba na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ có nhau, no đói giúp nhau". 

Đồng bào Tây Nguyên đã có bài ca dao về Bác Hồ với những so sánh liên tưởng thật xúc động:

Hồ Chí Minh - người là con sông lớn
Người là mặt trời, Người là mặt trăng
Mùa lạnh nhắc tên Hồ Chí Minh – cái bụng ấm
Mùa nắng nhắc tên Hồ Chí Minh – mây thêu mặt trời hồng
Mùa thu nhắc tên Hồ Chí Minh – mây lắng trời trong
Mùa xuân nhắc tên Hồ Chí Minh – cây cỏ đâm nhựa trổ bông.
Người dân Tây Nguyên nhận ra rằng:
Vùng Tây Nguyên rừng thiêng nước độc
Tám, chín năm ở với Bác Hồ lúa mọc đầy nương
Ba năm ở với "quốc gia" khổ sở trăm đường
Nay bắt phu, bắt lính, nói gạt nói lường hại dân
(Ca dao dân tộc Mơ- Nông)

Người Hơ-rê chất phác, nói "bụng Bác Hồ" đẹp hơn cả hoa Ê-pan nhất buôn, nhất rừng của họ. Cũng như người Ê-đê thấy "bụng Bác Hồ" tốt với dân tộc mình thế nào. Họ cho thấy:

Người cứu dân tộc mình 
Cho suối đánh đàn, cho hoa Gơ- ma nở
Cho nương đầy lúa, rẫy đầy khoai
Cho núi sông đầy cá nước hoa ngàn
Cho con gái cườm đeo quanh cổ
Là Bác Hồ Chí Minh!
(Ca dao dân tộc Ê-đê)

Đồng bào dân tộc Êđê, Giarai, Ba-na cũng thường hát:

Người Ê đê chưa gặp mặt Bác Hồ
Mà trong bụng thương hơn cha hơn mẹ
Người Gia rai chưa được ra miền Bắc
Mà trong bụng thương hơn cha hơn mẹ 

Vì vậy mà, chỉ cần nhắc đến tên Bác: 

Lên rừng nhắc tên Hồ Chí Minh/quên cả chân chồn, leo dốc nhanh
Xuống đồng nhắc tên Hồ Chí Minh/cấy lúa suốt ngày không thấy mệt
Bữa ăn nhắc tên Hồ Chí Minh/đôi đũa và cơm như và ngọc
Nằm ngủ nhắc tên Hồ Chí Minh/ trời tan bóng tối, ấm năm canh.
Đồng bào Hơ rê thấy được tấm lòng của Bác, thấy "bụng Bác Hồ đẹp hơn nhiều"
Con chim Prắc kêu to/ Con chim Siên kêu nhỏ
Nước nhiều nguồn đã họp thành sông
Người khác nhau đã thành một chi
Ở mỗi ngả nhưng cùng một Bok Hồ
Nước chảy mãi về sông…
Hỡi hoa ê pang soi mình bến nước
Mày đẹp nhất rừng, mày đẹp nhất buôn
Nhưng bụng Bác Hồ còn đẹp hơn nhiều
- Bụng Bác Hồ đẹp hơn hoa ê pang
Bác Hồ dạy khắp nơi đoàn kết
Bụng Bác Hồ còn đẹp quý hơn chiêng
Bác Hồ bảo là cơm no áo tốt.
Và đồng bào đã thể hiện tấm lòng theo Bác, theo Đảng một cách chất phác:
Người Tây Nguyên/ Đã giữ rừng. Đốn cây to phải ngã
Tát suối sâu phải cạn
Nhổ cỏ không còn rễ dưới chân
Người Xơ đăng không theo con cú vọ
Người Nơ ngao không theo con diều hâu
Chúng ta theo hoa đỏ/ Chúng ta theo Cụ Hồ.

(Đồng bào Hơ rê)

Bác Hồ ơi! Bác Hồ ơi!
Người Ka dong nhớ lời Bác dạy
Cố bắt con vắt cho sạch
Cố đuổi con cú cho bay
Mong Bác về rừng núi Tây Nguyên
Để dân làng mang chiêng cồng đi đón
(Đồng bào Ka dong)

Đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Tày, Nùng, Mông... ở Việt Bắc, Tây Bắc luôn cảm nhận được tình cảm của Bác dành cho họ: 

Đất nước ta có Cụ Hồ
Cụ Hồ thương dân đất Mường ta, sông bể không bằng
Qua nghìn hoạn nạn mới được như ngày hôm nay

Đồng bào Khmer, Chăm, Hoa cũng luôn tin tưởng và biết ơn Bác: 

Cụ Hồ với dân như chân với tay
Như chày với cối, như cội với cành 

hay: 

Nhưng rồi ngẫm lại mà coi 
Có Đảng, có Bác, châu chấu đá voi lộn nhào
Hoặc đồng bào nói cụ thể hơn:
Ai về nhắn nhủ cùng ai 
Có Đảng, có Bác chẳng sợ chông gai bùn lầy.

"Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi". Lời Bác rất thấm thía. Biết nói làm sao hết những lời ca cất lên từ đáy lòng của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Bác.
TRẦN XUÂN TOÀN

Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền nam tại Plây Cu

Cùng các đồng bào dân tộc thiểu số,

Hôm nay đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui vẻ.

Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự hội được. Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào.

Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.


Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu giây liên lạc, hai là vì có kẻ xui giục để chia rẽ chúng ta.

Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có "NHA DÂN TỘC THIỂU SỐ" để săn sóc cho tất cả các đồng bào.


Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta.

Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta.

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta.

Xin chúc Đại hội thành công.
   Lời chào thân ái
Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 1946
 HỒ CHÍ MINH
-----------
Sách Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch,Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, t.1, tr.85-86